Tích hợp tín hiệu giao thông đường sắt - đường bộ
Nhằm đảm bảo ATGT ĐS, Tổng công ty ĐSVN đã tiến hành lắp đặt thử nghiệm thiết bị chắn tự động tại một số đường ngang.
Đã đến lúc cần một sự thống nhất tín hiệu để người giao thông biết trước và lựa chọn lối đi...
“Điểm đen” ùn tắc Đã có không ít trường hợp do phương tiện dồn ứ quá đông, tạo tâm lý ức chế, nhiều người đã cố tình băng qua đường ngang giao cắt với ĐS như đường Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Sỹ, Hoàng Văn Thụ, Kha Vạn Cân, QL13... Và cũng không ít người sợ tắc đường, lo lỡ chuyến bay... đã băng qua đường ngang (ĐN) đúng lúc tàu hoả lao đến và tai nạn xảy ra...
Trong khi đó, tại nhiều ĐN ở vị trí giao cắt đồng mức giữa ĐS với đường bộ , tín hiệu giao thông ĐS, đường bộ “vênh” nhau. Hiện nay, tại các ngã tư, ngã năm, việc điều tiết giao thông cả ban ngày lẫn ban đêm là do hệ thống tín hiệu đèn báo. Tuy nhiên, với một số tuyến đường bộ gần điểm giao cắt với ĐS lại không quan tâm phối hợp tín hiệu để tránh ùn tắc giao thông khi tàu hỏa đang đến, chắn tàu bị đóng.
Một thực tế gây nguy cơ tai nạn cao khác là ĐS sắp đóng chắn, song dòng người đi ngang lại gặp đèn xanh và phóng bạt mạng để tránh chờ tàu ùn lại. Kết quả là không ít vụ tai nạn xảy ra do sự cố vượt đường ngang này. Ngoài ra, việc bị “vênh” tín hiệu ĐS với đường bộ tại các điểm giao cắt giao thông giữa đường bộ và ĐS ở vị trí gần (hoặc giao cắt giữa ĐS với ngã tư, ngã năm) cũng gây ùn tắc giao thông.
Trong khi chắn ĐN ngăn các phương tiện giao thông đường bộ đã đóng để tàu hoả đi qua, nhưng tín hiệu đường bộ vẫn báo đèn xanh cho phép các phương tiện đường bộ được di chuyển qua ĐN, qua ĐS. Nếu không có lực lượng CSGT điều khiển, phân luồng; khi tàu hoả chạy qua, chắn ĐN đã mở, chắc chắn sẽ xảy ra xung đột, ùn tắc giao thông cục bộ tại giao cắt do 4 (hoặc 5) hướng đường bộ đổ về ĐN.
Tích hợp đèn tín hiệu Ông Nguyễn Hữu Thắng- Cục trưởng Cục ĐSVN- cho biết: Tín hiệu ĐS và đường bộ chưa tương thích. Trong 4 địa phương được kiểm tra, rất ít ĐN được đồng bộ tín hiệu giữa ĐS và đường bộ. Có những ĐN đã được đầu tư, mở rộng nhưng chưa được khảo sát để đồng bộ tín hiệu nên ùn tắc vẫn xảy ra.
Cục ĐSVN đã kiến nghị và yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý ĐS khẩn trương rà soát, báo cáo và thực hiện ngay kết nối tín hiệu để đảm bảo ATGT. Cục ĐSVN cũng sẽ sớm trình dự thảo thông tư về kết nối tín hiệu ĐS với đường bộ để Bộ GTVT xem xét, ban hành nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng trên...
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Sơn - Phó TGĐ Cty vận tải hành khách ĐS Sài Gòn - Trưởng Tiểu ban An toàn trật tự ĐS TPHCM: Ngành ĐS đã cố gắng điều chỉnh thời gian chạy tàu hạn chế đến mức thấp nhất để tàu chạy vào thành phố giờ cao điểm nhằm tránh ùn tắc.
Hiện nay, chỉ có 4 đoàn tàu chạy qua các điểm giao cắt giữa ĐS với đường bộ trong giờ cao điểm. Thao tác đóng mở chắn ĐN cũng quy định tương ứng với thời gian tín hiệu đèn tại các điểm giao cắt giao thông đường bộ, thông thường từ 1 đến 2 phút. Tuy nhiên, do ý thức người dân khi tham gia giao thông đều muốn vượt qua ĐN trước khi tàu đến dù đã có đèn tín hiệu dừng lại nên thường xảy ra ùn tắc cục bộ tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với ĐS.
Để từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc tại các điểm giao cắt này trong điều kiện chưa xây dựng được các điểm giao cắt lập thể, rất cần công an địa phương phối hợp cùng lực lượng bảo vệ dân phố, thanh niên xung kích tham gia điều hành giao thông tại các điểm giao cắt nói trên.
Tiểu ban An ninh đường sắt TPHCM đã tăng cường nhân lực tại các điểm giao cắt giữa đường bộ-đường sắt trong giờ cao điểm, dịp hè, lễ, tết...; chỉnh trang thiết bị chắn ĐN, thao tác đóng mở chắn nhanh; xây dựng phương án giải quyết sự cố giao thông ĐS tại các ĐN để giảm thiểu thời gian ngừng tàu; chỉ đạo các đơn vị phối hợp thực hiện tốt công tác thông tin liên lạc để đóng mở chắn đúng thời gian quy định, tránh gây ùn tắc giao thông cục bộ tại các điểm giao cắt trong thành phố. [Nguồn: Báo lao động] |